Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023 là gì?
Trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và phức tạp, quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng cần được bảo vệ một cách toàn diện và hiệu quả. Năm 2023, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng đã chính thức được ban hành, mang theo nhiều quy định mới nhằm tăng cường quyền lợi và sự an toàn cho người tiêu dùng. Luật này không chỉ là một công cụ pháp lý quan trọng giúp người tiêu dùng bảo vệ mình trước những hành vi gian lận, lừa đảo trong quá trình mua sắm, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm và chất lượng dịch vụ.
Vậy Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023 là gì? Quyền lợi và nghĩa vụ gồm những gì? Trong bài viết này Bloggiamgia.vn sẽ giới thiệu một số nội dung cơ bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ giữa Người mua, và Người bán hàng trên các sàn Thương Mại Điện Tử như Shopee, Lazada, Tiki... Theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023 bạn nhé!
1. Luật bảo vệ người tiêu dùng 2023 là gì?
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Xem chi tiết và tải về tại đây: https://vanban.chinhphu.vn/luat-tieu-dung-2023
2. Quyền của người tiêu dùng là gì?
Theo quy định tại Điều 4 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng sẽ có một số các quyền được pháp luật bảo vệ như sau:
a. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
b. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.
c. Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.
d. Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
e. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
3. Nghĩa vụ của người tiêu dùng là gì?
Theo quy định tại Điều 5 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng sẽ có một số các nghĩa vụ như sau:
a. Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
b. Tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và của người khác.
c. Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật.
d. Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
4. Người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là gì?
Người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Theo quy định tại Điều 8 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
- Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;
- Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
- Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;
- Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ lưu ý cần kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, để Shopee hay các sàn thương mại điện tử có thể nhận diện và ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.
5. Thông tin của Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ
Thông tin của người tiêu dùng bao gồm: thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Người bán hàng phải có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng và chỉ sử dụng thông tin người tiêu dùng theo các trường hợp được cho phép theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
⚠️ Lưu ý:
Hành vi thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của Người tiêu dùng trái quy định của pháp luật là hành vi bị cấm.
Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường kinh tế hiện đại. Với những quy định mới chặt chẽ, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023 không chỉ tạo ra một khung pháp lý mạnh mẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi mua sắm và sử dụng dịch vụ, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình.
Việc nắm rõ các quyền lợi và nghĩa vụ theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023, không chỉ giúp bạn bảo vệ được quyền lợi cá nhân, mà còn góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh và minh bạch hơn. Hy vọng với các chia sẻ trên, bạn đã hiểu rõ về Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023. Cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết! Chúc bạn có nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi mua sắm trực tuyến!